Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Là một trong những chiến lược phát triển của Tập đoàn

Sáng 20/8/2014, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn, đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBMTTQ Vũ Trọng Kim và Chủ tịch HĐTV Vinatex Trần Quang Nghị chủ trì Cuộc họp

Kết quả sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động
Báo cáo tại Cuộc họp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường khẳng định chủ trương của Cuộc vận động chính là chiến lược phát triển của Tập đoàn với hai định hướng chính: Một là, định hướng chuyển dịch sản xuất từ phương thức gia công (CMT) sang phương thức sản xuất trọn gói (ODM) với tỷ lệ nội địa hóa cao, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nhau, nhằm tăng giá trị gia tăng, dịch chuyển lên phân khúc cao hơn của chuỗi giá trị cung ứng may mặc toàn cầu đồng thời hướng tới phát triển bền vững. Hai là, quan tâm, phát triển thị trường nội địa với định hướng phát triển theo phương thức sản xuất sở hữu thương  hiệu (OBM) nhằm cung cấp sản phẩm may mặc chất lượng cao với giá thành phải chăng cho người tiêu dùng Việt Nam.

Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Lê Tiến Trường báo cáo tại cuộc họp

Qua 5 năm thực hiện, Tập đoàn và đã mở rộng và phát triển chuỗi siêu thị bán lẻ Vinatexmart trên 28 tỉnh thành cả nước với trên 50 đại lý bán hàng, phân phối 60.000 mặt hàng với tỷ lệ 100% hàng VN. Các hệ thống cửa hàng của từng đơn vị thành viên như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10… cũng đã mở rộng quy mô, phân phối đa dạng mặt hàng may mặc Việt Nam, giới thiệu các sản phẩm mới nhất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sau 5 năm, tổng số cửa hàng, đại lý trên toàn quốc của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đạt 4.125, tăng trên dưới 5% một năm và dự kiến đạt 4.286 cửa hàng trong năm 2014.
Các công ty thành viên cũng không ngừng phát triển thương hiệu và sản phẩm mới phụ vụ thị trường nội địa như Dệt kim Đông Xuân với nhận diện thương hiệu mới “Thời trang an toàn cho sức khỏe”, thương hiệu GRUSZ của Tổng Công ty May 10 -CTCP, Merriman của Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Mattanna của Tổng Công ty May Nhà Bè, San Sciaro và Manhattan của Tổng Công Ty CP May Việt Tiến, nhãn hàng DORA, RUNI và SURI do Tập đoàn kết hợp với đơn vị sản xuất...Các thương hiệu với thiết kế đẹp, hiện đại, chất lượng tốt đã được người tiêu dùng biết đến và đón nhận.
Hằng năm, Vinatex tổ chức 3 hội chợ là Triển lãm Quốc tế về Máy, Thiết bị ngành may mặc, linh kiện, nguyên phụ liệu với quy mô 13.000m2, thu hút 500 công ty đến từ 24 quốc gia; Hội chợ thời trang Việt Nam tại Hà Nội và TP. HCM với quy mô trên 300 gian hàng tiêu chuẩn của hơn 200 doanh nghiệp tham gia.
Kết quả rõ nét của quá trình triển khai Cuộc vận động đối với sự phát triển của Tập đoàn được thể hiện qua các chỉ tiêu kinh tế. Doanh thu  nội địa sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động tăng dần từ 15.740 tỷ đồng năm 2010 lên 22.200 tỷ đồng vào năm 2013. Tỉ lệ tăng trưởng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước cũng tăng một cách khả quan, tỉ lệ nội địa hóa 5 năm trước vào khoảng trên dưới 40% thì hiện nay con số này của Tập đoàn là 56%.
Không chỉ phục vụ thị trường tiêu dùng nội địa, Tập đoàn trong nhiều  năm liên tục củng cố và gia tăng các mối liên kết, hình thành chuỗi cung ứng sản xuất nội bộ cũng như với các Tập đoàn Tổng Công ty khác. Cụ thể, Tập đoàn đang phát triển công tác cung ứng nguyên liệu Dệt May theo hướng liên kết chuỗi, đặc biệt với sản phẩm dệt kim và dệt thoi. Tập đoàn bắt đầu hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm dần theo hướng sản xuất ODM như chuỗi sản phẩm dệt kim 8/3 – Hanosimex- Dệt kim Vinatex, chuỗi sản phẩm dệt thoi 8/3- Dệt May Nam Định – các công ty may khu vực đồng bằng sông Hồng… nhằm mục đích tăng tỷ lệ nội địa hóa, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nhau, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá Vinatex là một trong 3 doanh nghiệp xuất sắc nhất của Bộ trong việc thực hiện Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau. Tập đoàn đã ký kết thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau với 9/16 đơn vị thuộc bộ: cung cấp gần 160.000 bộ quần áo BHLĐ và đồng phục với trị giá trên 55 tỷ đồng cho các Tập đoàn, Tổng Công ty; đồng thời, Tập đoàn chủ động ký kết hợp đồng mua và tiêu thụ sản phẩm của Tổng Cty Bia-rượu-Nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty dầu thực vật VN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản… với tổng giá trị lên tới hơn 57 tỷ đồng.
Tăng cường truyền thông và đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả
Tham dự cuộc họp, bên cạnh các thành viên của Ban chỉ đạo là sự có mặt của đại diện các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn. Vì vậy chuyến thăm và làm việc này của Ban chỉ đạo là cơ hội để hai bên trao đổi và kiến nghị trực tiếp về các khó khăn tồn tại khi triển khai Cuộc vận động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ một thực tế rất đáng suy ngẫm, đó là người tiêu dùng sẵn sàng bỏ vài triệu để mua các sản phẩm sơ mi, veston hay đồ lót mang các nhãn hiệu quốc tế lớn trong khi hàng do doanh nghiệp dệt may Việt Nam sản xuất có kiểu dáng, chất lượng tương đương, giá chỉ bằng một phần ba hay một nửa lại không được ưa chuộng. Điều này một phần là do tâm lý “sính ngoại” nhưng cũng một phần là truyền thông chưa đủ mạnh mẽ. Thiết nghĩ, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các doanh nhân, đến các cán bộ viên chức hãy là những người đi đầu trong việc sử dụng quần áo mang thương hiệu nội địa, có như vậy mới tạo ra sự lan tỏa và cuốn hút mọi người, mọi tầng lớp tham gia mua và sử dụng hàng Việt.

Bà Lâm Phương Thanh- Phó Ban Tuyên giáo TW Đảng 

Xung quanh vấn đề truyền thông và phân phối, bà Lâm Phương Thanh – Phó Ban Tuyên giáo TW Đảng, thành viên Ban chỉ đạo và ông Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo cho rằng hệ thống phân phối cần có phân khúc thị trường đa dạng  nhưng rõ ràng và dễ tiếp cận cho người tiêu dùng.
Tiếp thu ý kiến này, ông Trần Quang Nghị – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cho biết đa dạng hóa sản phẩm, tập trung cho thiết kế là hướng đi mà Tập đoàn đang theo đuổi, tuy nhiên cũng vấp phải những khó khăn nhất định. Ví dụ như thời trang nữ là nhóm hàng rất khó áp dụng sản xuất công nghiệp, nếu muốn sản xuất tập trung thì phải là những thương hiệu lớn, còn tại Việt Nam, rất ít doanh nghiệp dám phát triển theo hướng này bởi về dài hạn hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm may mặc của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh bởi các nguồn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.   

Bổ sung thêm ý kiến của ông Trần Quang Nghị, đại diện doanh nghiệp cho hay doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đều là “người bị hại” của nạn trốn thuế và hàng giả. Mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn rất chú trọng trong nhận diện thương hiệu và đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn về an toàn cho người tiêu dùng song trong một môi trường kinh doanh cạnh tranh không công bằng, các doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn. Qua cuộc họp, các doanh nghiệp đề nghị Ban chỉ đạo có ý kiến với Chính phủ để có những biện pháp xử lý quyết liệt hơn nữa với vấn nạn này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp trong tăng cường tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, dịch vụ như hỗ trợ lãi suất vốn vay, ưu đãi tài trợ vốn, ưu đãi các loại thuế  như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,…
Ghi nhận ý kiến đóng góp của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết trong khi cạnh tranh ngày một quyết liệt, muốn doanh nghiệp phát triển tốt phải đòi hỏi một môi trường kinh doanh hết sức lành mạnh. Ban chỉ đạo sẽ có ý kiến để các cơ quan quản lý thị trường có những giải pháp quyết liệt hơn. Về phía đơn vị cũng cần có văn bản chính thức và cụ thể để các ban ngành nhận thức rõ và có giải pháp đúng đắn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thay mặt Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tổng giám đốc một lần nữa khẳng định, chủ trương của CVĐ hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn, hy vọng với nội lực của doanh nghiệp cùng với sự quan tâm chỉ đạo của bộ ban ngành và sự tin dùng của người dân, Tập đoàn sẽ tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, dịch chuyển lên phân khúc cao hơn của chuỗi giá trị cung ứng may mặc toàn cầu đồng thời phát triển bền vững.
 VH
 

Các tin khác

Phát biểu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam